Tìm hiểu về công nghệ cloud, xu hướng phát triển của thế giới

Công nghệ cloud (hay còn gọi là điện toán đám mây) hiện nay là xu hướng phát triển được rất nhiều công ty lớn áp dụng và nghiên cứu bởi những lợi ích to lớn mà nó mang lại.

Công nghệ cloud điện toán đám mây là gì?

Nghe tới từ “điện toán đám mây”, bạn có thể cảm thấy khá xa lạ, vì dù gì thì nó cũng… trên mây cơ mà! Trong thực tế thì khái niệm này đã được ứng dụng rất sâu rộng vào trong mọi mặt của công nghệ, qua đó tác động trực tiếp đến đời sống hàng ngày.

Khi bạn lướt facebook hằng ngày thì có rất nhiều thông tin, ảnh được cung cấp và hiển thị. Tất cả những thông tin này được lưu trữ trên hàng ngàn máy chủ đám mây của Facebook. Sau đó, bạn kiểm tra Gmail, và email của bạn cũng được lưu trên những máy chủ đám mây của Google. Đến cuối ngày, bạn giải trí bằng vài bản nhạc trên Apple Music hay xem clip trên YouTube. Những dữ liệu đó đều nằm ở “trên mây” hết.

Có thể hiểu một cách đơn giản thì công nghệ điện toán đám mây (cloud) là tất cả những hoạt động lưu trữ, tính toán được diễn ra trên “đám mây”, hay chính là internet. Cụ thể hơn, điện toán đám mây là giải pháp sử dụng nhiều máy tính được kết nối qua internet để đem lại khả năng, dịch vụ mà những thiết bị đơn lẻ không thể làm được.

Những ứng dụng của công nghệ cloud điện toán đám mây

Chức năng dễ hình dung nhất của đám mây là lưu trữ. Vào thời điểm trước khi muốn lưu trữ bất kỳ một dữ liệu thì đều phải sử dụng phần cứng như usb, ổ cứng,…tuy nhiên bây giờ bạn có thể đưa thẳng lên mạng một cách nhanh chóng những dữ liệu đó. Những dịch vụ lưu trữ đám mây như Dropbox, Google Drive cho phép bạn lưu dữ liệu lên máy chủ của các công ty lớn, có thể đồng bộ và truy cập từ bất kì nơi nào, ngoài ra còn đảm bảo an toàn do được sao lưu tự động liên tục. Mở rộng ra, chức năng lưu trữ trên đám mây còn giúp các công ty cung cấp dữ liệu cho hàng tỷ khách hàng như video của YouTube, email của Gmail.

Chức năng quan trọng tiếp theo là tính toán. Một máy tính dù có khỏe đến cỡ nào thì cũng có những giới hạn riêng của nó, còn đối với cloud bạn sẽ được sở hữu sức mạnh của vô số các máy tính kết hợp lại. Dịch vụ của bạn có thể bị hạn chế vì sức mạnh máy chủ, nhưng với điện toán đám mây thì bạn sẽ có nguồn tài nguyên vô hạn nếu muốn.

Đối với cả hai chức năng quan trọng, tầm vóc của “đám mây” chính là thứ tạo nên sức mạnh. Số lượng máy tính lớn đem lại khả năng tính toán, lưu trữ đáp ứng gần như tất cả nhu cầu của một người dùng. Một đặc điểm khác của điện toán đám mây là độ linh hoạt: bạn có thể yêu cầu tài nguyên gấp 1000 lần và được đáp ứng chỉ trong giây lát.

Vậy tất cả những điều đó thì có gì quan trọng? Hãy thử tưởng tượng khi một nhà phát triển mới phát hành một ứng dụng. Ban đầu họ dự tính sẽ có 100 người sử dụng ứng dụng đó, nhưng bỗng nhiên nó trở nên quá hot và nhận được hàng ngàn lượt tải. Nếu sử dụng các máy chủ truyền thống, hệ thống sẽ quá tải nhanh chóng và chỉ đáp ứng được 1/10 nhu cầu thực tế. Còn đối với máy chủ đám mây, hệ thống có thể tự động điều chỉnh tăng tài nguyên để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Tất cả đều hài lòng.

Điện toán đám mây còn giúp tiết kiệm môi trường nữa.

Hiệu quả trong việc vận hành luôn là những điều mà các doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ. Kinh phí đầu tư cho hạ tầng, thiết bị để đáp ứng nhu cầu đôi khi là quá cao, trong khi việc dự tính nhu cầu thì có thể không chính xác. Do đó sự linh hoạt của điện toán đám mây là điểm mấu chốt trong việc đem lại hiệu quả khai thác công nghệ. Nói cách khác, điện toán đám mây giúp các cá nhân hay doanh nghiệp nhỏ có cơ hội tiếp cận nguồn tài nguyên mà trước đây chỉ dành cho những doanh nghiệp lớn.

1 Trackbacks & Pingbacks

  1. Microsoft: ứng dụng công nghệ đám mây thông minh là điều rất cần thiết - Cloud Hosting

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*